TÁC PHẨM DỰ THI CUỘC THI VIẾT VỀ: “MÔ HÌNH, TẤM GƯƠNG CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN, CNVCLĐ TIÊU BIỂU” NĂM 2022
Tác giả: Trần Thị HàĐịa chỉ: Trường THCS Mạo Khê I - Mạo Khê - Đông Triều - Quảng Ninh
Nhân vật: Cô giáo Trịnh Thị Yến
Tác phẩm: Người thầy truyền cảm hứng
Nếu bạn có 28 năm tuổi nghề, 52 năm tuổi đời - cái tuổi mà con cháu đầy nhà, cái tuổi mà mắt thiếu tinh anh, chân đứng nhiều sẽ mỏi, giọng giảng đã bắt đầu hụt hơi, bạn sẽ làm gì? Có muốn được nghỉ ngơi hay tiếp tục cống hiến, có muốn an nhàn hay tiếp tục say sưa với những bài giảng, có muốn lùi về hậu phương hay tiếp tục cháy hết mình với lòng nhiệt huyết, tình yêu nghề, mến trẻ??? Tôi tin bạn sẽ có câu trả lời cho riêng mình khi đến với Phòng GD&ĐT thị xã Đông Triều chúng tôi, đến với mái trường THCS Mạo Khê I để gặp cô giáo Trịnh Thị Yến, "thí sinh" đặc biệt nhất cũng là một trong những giáo viên xuất sắc nhất được khen thưởng trong hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở của thị xã Đông Triều năm học 2021-2022.
(Cô giáo Trịnh Thị Yến - đứng thứ 4 từ bên trái sang)
A. Warrd đã từng khẳng định: "Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng" và cô Yến chính là người thầy vĩ đại ấy trong lòng tôi, người đã truyền cảm hứng, nuôi dưỡng ước mơ để tôi lựa chọn và gắn bó với nghề dạy học - nghề đem những trang văn đến với học trò.
Ngược dòng thời gian của 23 năm về trước, hình ảnh của cô Yến vẫn nguyên vẹn trong dòng ký ức của tôi. Đó là hình ảnh một cô giáo gầy, cao, đi chiếc xe đạp mi ni cũ và cắp chiếc cặp da màu đen đã sờn. Mỗi khi vào lớp trông cô thật hiền, luôn nở nụ cười chào chúng tôi và với giọng giảng nhẹ nhàng, sâu lắng, cô đưa lũ học trò nhỏ vào thế giới của bao cảm xúc qua những trang thơ của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, những câu chuyện của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan … Khi ấy, tôi là cô học trò lớp 9 đen nhẻm, nửa ngày đi học, nửa ngày mót khoai, mót lạc, đào sắn … bươn trải mưu sinh nhưng chưa bao giờ có ý nghĩ muốn nghỉ học, luôn nuôi ước mơ trở thành cô giáo. Mỗi ngày tới trường, tôi cứ mải miết ghi chép từng lời giảng của cô, nắn nót theo từng dòng chữ cô viết, chăm chú theo dõi từng cách cô bình thơ, giảng văn và khi về nhà cứ rảnh rỗi lại lôi mấy đứa em ra, bắt ngồi xếp hàng, xem chị giảng bài và cái bảng là tấm cửa sổ nhà bếp đã được bố tháo ra, dựng lên để con gái thỏa niềm đam mê. Tôi bắt chước cô ghi tên bài ngay ngắn phía trên, rồi nắn nót viết từng con chữ O, A,… rồi cũng đánh vần, cũng gõ bảng dọa nạt "Trật tự nào! Cả lớp chú ý!" y như thật.
Thấm thoắt cũng đã mấy chục năm trôi qua, giờ đây tôi đã là một cô giáo dạy Văn, mơ ước thủa nào đã thành hiện thực và thật may mắn tôi vẫn được làm học trò của cô, vẫn được cô bảo ban, dìu dắt, cô và trò cùng đồng hành với nhau dưới mái trường THCS Mạo Khê I, cùng nhau trao đổi từng bài dạy, chia sẻ, động viên nhau vượt qua những thăng trầm của cuộc sống. Mãi sau này, khi được phân công công tác về trường THCS Mạo Khê I - mái trường nơi tôi từng học tập suốt 4 năm cấp II, tôi mới tình cờ biết được cô Yến vốn là học sinh chuyên văn ở trường THPT chuyên Hạ Long. Tôi nghĩ bụng "Ngày ấy, học chuyên Văn là phải chất lắm ấy!" và quả đúng như suy nghĩ của tôi. Càng được làm việc và gắn bó cùng cô, tôi càng thấy khâm phục và ngưỡng mộ không chỉ sự thông minh trong cách tổ chức lớp học, sự khéo léo trong cách ứng xử, mà hơn hết là sự tận tâm với từng bài giảng, sự quan tâm đến mỗi cô cậu học trò nhỏ của cô.
Cô Yến đã từng tâm sự với tôi, cô vốn quê ở thị xã Quảng Yên, theo tiếng gọi của tình yêu, cô lập gia đình và theo chồng đến làm dâu và gắn bó với mảnh đất Đông Triều. Ngày cô mới ra trường, vừa lập gia đình, lúc ấy chưa xin được việc làm, kinh tế gia đình vô cùng khó khăn, các con lại còn nhỏ, cô phải ở nhà chăn nuôi, tăng gia sản xuất để vừa chăm lo con cái vừa làm kinh tế. Nhưng cô luôn mong mỏi được đi dạy, được đến trường và rồi đến năm 1996, mấy năm sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Quảng Ninh, cô được phân công công tác tại trường THCS Bình Khê - một trường vùng núi của huyện Đông Triều lúc bấy giờ. Đến năm 1999 cô nhận thuyên chuyển về trường THCS Mạo Khê I, gắn bó và cống hiến với mái trường này đến tận hôm nay.
Trong tổ Văn - Sử - Ngoại ngữ, chúng tôi vẫn thường gọi cô với cái tên thân thương là "CHỊ ĐẠI" không chỉ bởi cô là người lớn tuổi nhất mà còn bởi cô như một người chị cả trong gia đình, luôn gương mẫu, đi đầu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Lớp cô chủ nhiệm có những thành tích đáng nể trong học tập cũng như các phong trào. Nhiều năm liền cô đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở, Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; Chiến si thi đua cấp cơ sở, Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp cơ sở. Cô còn cùng học trò của mình rất thành công trong cuộc thi: "Viết thư UPU quốc tế", "Viết về người phụ nữ tôi yêu", "Đại sứ văn hóa đọc"… Cô là một trong những cô giáo tham gia ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn của trường, góp phần nâng cao chất lượng mũi nhọn của nhà trường nói riêng và thị xã Đông Triều nói chung. Nhiều học sinh cô phụ trách đạt giải cao trong các kì thi học sinh giỏi các cấp. Nhiều năm tham gia công tác chuyên môn, cô luôn tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua và các cuộc vận động của ngành như "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"…. Cô cùng với tổ chuyên môn luôn xây dựng những kế hoạch dạy học và giáo dục bám sát tình hình thực tiễn của địa phương và nhà trường, kịp thời nắm bắt tinh thần đổi mới giáo dục và tiên phong đi đầu trong công tác đổi mới phương pháp, kĩ thuật dạy học theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất người học. Với sự vững vàng trong chuyên môn, sự tận tâm, tận lực với nghề, cô cũng luôn được Phòng GD&ĐT thị xã Đông Triều cũng như Sở GD&ĐT tin tưởng giao trọng trách "cầm cân nảy mực", "đãi cát tìm vàng" trong các cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở, Giáo viên dạy giởi cấp Tỉnh.
Đúng như cái tên "CHỊ ĐẠI", cô như là chỗ dựa cho chúng tôi - những thế hệ kế tiếp. Mỗi khi gặp khó khăn, vướng mắc trong chuyên môn, những tình huống khó xử lí trong công tác chủ nhiệm hay phải đối mặt với những thử thách trong cuộc sống thì chúng tôi đều tìm đến người chị cả ấy để được lắng nghe, chỉ dẫn, động viên, khích lệ. Có thể nói, trong gia đình nhỏ tổ Văn - Sử - Ngoại ngữ thì ai trong chúng tôi cũng đều yêu mến, cảm phục và cả biết ơn với cô.
Đối với tôi, cô không chỉ là một người thầy, một tri kỉ có cùng đam mê, mà còn là người truyền cho tôi cảm hứng với văn chương, thắp lên ngọn lửa đam mê với nghề giáo, với những giờ giảng văn, với những lớp ôn đội tuyển học sinh giỏi … Mỗi lần đi ngang qua lớp học hoặc được ngồi phía dưới dự giờ của cô, tôi lại lạc vào một thế giới mới với những cách đặt vấn đề thật tự nhiên mà mới lạ, với cách tổ chức lớp thật khoa học mà hợp lý, đặc biệt là cách cô sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại như dạy học nhóm, dạy học dự án, kỹ thuật 3-2-1, kỹ thuật các mảnh ghép, sơ đồ tư duy … thật nhẹ nhàng mà hiệu quả. Những bài giảng ấy luôn đầy ắp sự sáng tạo, mới mẻ mà ở đó học sinh được thỏa sức thể hiện những cảm nhận của mình về văn học và cuộc sống. Qua mỗi bài giảng, cô không chỉ truyền cho học sinh bến bờ tri thức mà còn là những bài học về đạo lý làm người; giáo dục ý chí, nghị lực, tình yêu thương, lòng hiếu thảo, nhân ái, vị tha trong cuộc sống.
Còn nhớ những ngày tôi mới chập chững bước vào nghề, tôi có phần nóng nảy và hiếu thắng, cũng có lúc thiếu tự tin vào bản thân, lo lắng, bất an khi gặp trở ngại, thử thách thì cô đã nói với tôi những lời động viên làm tôi nhớ mãi: "Hãy giáo dục bắt đầu từ trái tim". Sau này, tôi ngẫm nghĩ và thấy rất đúng, nhất là khi tôi tình cờ xem một video vô cùng cảm động về nghề giáo với lời của Đức vua Bhumilot Adulyadej (Ngày 9 tháng 10 năm 1973): "Nghề giáo là một nghề đặc biệt, khác với các nghề khác. Một phần quan trọng của nghề đó là … làm thầy cô … điều mong nhận lại phải xuất phát từ tấm lòng mà một người cô, người thầy chân chính phải hy vọng và tự hào khi có được". Cũng có lúc, tôi gặp thất bại trong cuộc sống, khi những tai ương liên tục ập xuống như muốn rút cạn sức lực thì câu chuyện về cuộc đời cô, người phụ nữ góa chồng, một mình nuôi dạy hai con khôn lớn, thành tài, vượt qua bao định kiến xã hội để tìm được hạnh phúc và lời động viên "Cố lên em, hãy hướng về phía mặt trời, em sẽ không thấy bóng tối nữa!" của cô lại tiếp thêm cho tôi niềm lạc quan, tin yêu cuộc đời, mạnh mẽ để bước tiếp, để truyền tình yêu với nghề, với văn chương đến với học trò.
Giờ đây, khi đã có 14 năm gắn bó với "nghiệp phấn bảng", tôi vẫn luôn hãnh diện và tự hào, khâm phục và biết ơn cô - người thầy vĩ đại trong lòng tôi. Cô chính là "người nhóm lửa - giữ lửa - truyền lửa", ngọn lửa của ước mơ, niềm tin, của long yêu nghề, tình yêu cuộc sống không chỉ cho tôi mà còn bao thế hệ học trò. Xin cảm ơn cô! Cảm ơn người thầy đáng kính, cảm ơn "CHỊ ĐẠI" thân thương, trìu mến của mái trường THCS Mạo Khê I!
- Thông báo: Lịch nghỉ Lễ 30/4 và 01/5/2022
- THÔNG BÁO Danh mục sách giáo khoa lớp 6, 7 theo chương trình GDPT 2018 sử dụng trong nhà trường năm học 2022-2023
- THÔNG BÁO: Danh mục sách giáo khoa lớp 7 sử dụng từ năm học 2022-2023
- Thông báo nghỉ Lễ giỗ tổ Hùng Vương và phân công lịch trực trong kỳ nghỉ Lễ
- Thông báo: Lịch nghỉ tết Nguyên đán - xuân Nhâm Dần 2022
- Thông báo: Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2022 và phân công lịch trực kỳ nghỉ lễ
- Kế hoạch tổ chức thi giáo viên giỏi cấp trường năm học 2021-2022
- Thời khóa biểu năm học 2021-2022
- Thông báo tuyển sinh năm học 2021-2022
- THÔNG BÁO: Danh mục sách giáo khoa lớp 6 sử dụng từ năm học 2021-2022
- Thông điệp 5K về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Bộ Y tế
- Kế hoạch công tác tháng năm 2020-2021
- Thời khóa biểu năm học 2020-2021
- 544- V/v hướng dẫn công tác tuyển sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông năm học 2020-2021
- Phân công lịch trực xử lý các công việc liên quan đến phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp corona từ 30/03/2020 đến 15/04/2020