Trường THCS Mạo Khê I tổ chức Hội nghị chuyên đề ứng dụng hiệu quả phương pháp "Bàn tay nặn bột" trong giảng dạy các môn Khoa học tự nhiên

Để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2013 – 2014, đồng thời bồi dưỡng và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho toàn thể giáo viên của nhà trường, sáng ngày 25/12/2103 trường THCS Mạo Khê I đã tiến hành tổ chức Hội nghị chuyên đề cấp trường về ứng dụng hiệu quả phương pháp "Bàn tay nặn bột" trong giảng dạy các môn Khoa học tự nhiên.

  Về dự chuyên đề nhà trường rất vinh dự được đón đồng chí  Vũ Thị Hồng Hà  - Cán bộ phòng GD&ĐT Đông Triều; đại diện Ban giám hiệu, các tổ trưởng chuyên môn và các đ/c giáo viên cốt cán của các trường trong cụm IV cùng toàn thể các đ/c giáo viên trong nhà trường về dự đông đủ.    

    Sau lời khai mạc của đ/c Lê Thị Lan Anh - Hiệu trưởng nhà trường, Hội nghị đã được nghe 3 báo cáo chuyên đề của đ/c Lê Thị Kim Oanh – Phó hiệu trưởng nhà trường, đ/c Bùi Thị Hải Hưng – Tổ trưởng chuyên môn tổ khoa học tự nhiên và  đ/c Trần Thị Kim Sáu – Tổ trưởng chuyên môn tổ Sinh – Hóa – Địa về chỉ đạo công tác bồi dưỡng chuyên môn qua việc sử dụng hiệu quả phương pháp "Bàn tay nặn bột" trong các môn Khoa học tự nhiên của nhà trường và của hai tổ chuyên môn.

  Đ/c Lê Thị Lan Anh-Hiệu trưởng nhà trường khai mạc Hội nghị chuyên đề

  Sau các báo cáo chuyên đề, các vị đại biểu và giáo viên toàn trường được trực tiếp dự thực nghiệm hai tiết dạy của cô giáo Bùi Thị Thi Trang dạy môn Hóa học lớp 9 với tiết "Sắt" và  cô Hà Thị Thanh Nhàn dạy môn Vật lí lớp 7 với tiết " Nguồn âm". Sau đó các vị đại biểu và giáo viên của các tổ đã tổ chức thảo luận, đóng góp cho tiết dạy, tập trung thảo luận và rút kinh nghiệm về cách thức tiến hành các bước trong phương pháp Bàn tay nặn bột. Nhiều ý kiến đều thống nhất học bằng phương pháp “Bàn tay nặn bột”, học sinh đều tỏ ra hứng thú, say mê với bài học, từ đó nắm vững kiến thức, phát triển được kĩ năng làm việc hợp tác theo nhóm, kĩ năng diễn đạt qua ngôn ngữ nói và viết cũng mạch lạc hơn, các em được làm việc nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn và được trình bày rõ quan điểm của mình. Học bằng phương pháp này, các em có thể ghi nhớ rất nhanh kiến thức ngay trên lớp và biết vận dụng vào cuộc sống. Tuy nhiên cũng gặp một số khó khăn trong quá trình giảng dạy như những bất cập trong điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, sĩ số học sinh trong mỗi lớp, nhận thức học sinh không đồng đều, thời gian tiết học ngắn…

 

Tiết dạy Hoá học của cô giáo Bùi Thị Thi Trang

Tiết dạy môn Vật lý của cô giáo Hà Thị Thanh Nhàn

Thay mặt cho Phòng GD&ĐT huyện Đông Triều đ/c Vũ Thị Hồng Hà phát biểu ý kiến chỉ đạo. Sau khi ghi nhận những điểm mạnh về chuyên môn mà nhà trường đã làm được trong năm học vừa qua, biểu dương sự thành công của chuyên đề, đồng chí còn nhấn mạnh: "Bàn tay nặn bột" là một phương pháp dạy học tích cực, phát huy tính tích cực học tập của học sinh. Phương pháp này giúp học sinh nắm bắt kiến thức bằng cách tự đặt mình vào tình huống thực tế, từ đó tìm tòi, khám phá, tự phát hiện ra bản chất của vấn đề như một nhà khoa học. Vì vậy giáo viên khi thực hiện dạy học phải luôn sáng tạo, vừa đảm bảo nguyên tắc đặc trưng của phương pháp BTNB, đồng thời cũng linh hoạt vận dụng các phương pháp dạy học khác để đạt mục tiêu giáo dục, tránh hình thức, phô diễn.

     Đ/c Vũ Thị Hồng Hà- chuyên viên phòng GD&ĐT phát biểu ý kiến

  Chuyên đề đã được Phòng GD&ĐT, các trường trong cụm IV đánh giá cao và có được những thành công hơn so với chuyên đề về sử dụng phương pháp Bàn tay nặn bột trong năm học 2012 - 2013 của nhà trường. 

    Kết thúc Hội nghị chuyên đề, đồng chí Lê Thị Lan Anh – Hiệu trưởng nhà trường đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của các vị đại biểu đồng thời chỉ đạo các đ/c giáo viên của trường cần tích cực tiếp thu, vận dụng và sáng tạo trong việc sử dụng phương pháp này vào dạy học một cách có hiệu quả hơn. Sự thành công của chuyên đề đã mở màn cho các hoạt động thi đua tiếp theo đầy hứa hẹn trong học kì II của nhà trường.  

                                                                          Người viết: Trịnh Thị Yến



Others:
Mới nhất